Kinh doanh game ngày càng khó khăn
Có một thực tế ngành game online tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là phát hành game nước ngoài, trong đó đa số là từ Trung Quốc. Doanh nghiệp mua game với chi phí từ vài trăm nghìn đến vài triệu USD, về phát hành trong nước phục vụ người chơi, trừ hết chi phí nếu thành công sẽ đạt mức lợi nhuận từ 2-5%. Trong khi đó, nếu thất bại, doanh nghiệp bị lỗ từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng là điều không thể tránh khỏi. Đa số các nhà phát hành trong nước cho biết, hiện nay, phát hành 10 game online nếu 3-4 game có lợi nhuận đã được xem là thành công.
Kinh doanh game không còn dễ như trước đây.
Tuy nhiên, theo các nhà phát hành game, với việc rào cản thanh toán không còn khó khăn như trước đây, khi đã có thêm kênh các ví điện tử tích hợp thanh toán trên các kho ứng dụng, các doanh nghiệp game Trung Quốc hiện lựa chọn phát hành xuyên biên giới (phát hành lậu) vào thị trường trong nước, thay vì bán game cho các công ty tại Việt Nam phát hành.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames cho biết, trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp mua game về phát hành trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Với những game lớn, các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc chọn luôn phát hành xuyên biên giới ra toàn cầu. Trong khi đó, với các game tiềm năng, các công ty làm phát hành game ở nước sở tại cũng tiến hành mua lại sau đó phát hành xuyên biên giới. Đó là chưa kể một số công ty sản xuất game Trung Quốc cũng sang Việt Nam mở công ty rồi phát hành game luôn tại thị trường trong nước. Chính vì thế, các doanh nghiệp game trong nước giờ không còn nhiều là vì vậy.
Đồng quan điểm, đại diện SohaGame cũng chia sẻ, hiện doanh nghiệp game trong nước rất khó mua game và số lượng phát hành ngày càng ít đi. Như với SohaGame, số lượng game phát hành hiện nay còn ít hơn cả trong các năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hơn 4 tháng nay chưa có game mới. Bởi bây giờ, các doanh nghiệp Trung Quốc ưu tiên phát hành channeling, nghĩa là chỉ cần một công ty tại Việt Nam xin phép hộ, còn họ tự phát hành hoặc bên nào có tiềm lực lớn thì họ tự mở công ty bình phong trong nước rồi phát hành.
Đáng chú ý, vị đại diện này cho biết, với các công ty bình phong, tiền không chảy qua Việt Nam, mặc dù vẫn xin giấy phép, mà sẽ đi thẳng về tài khoản trên kho ứng dụng của công ty Trung Quốc. Và tất nhiên họ không đóng thuế. Do hiện nay các kho ứng dụng đã tích hợp các giải pháp thanh toán rất tiện lợi như qua tin nhắn SMS, ví điện tử hay thẻ tín dụng… nên họ không cần thanh toán qua các kênh nội địa.
Trước tình trạng phát hành như trên, đại diện SohaGame cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp phát hành game cũng đã rời bỏ thị trường.
Ông Trần Phương Huy, Giám đốc công ty VTC Intecom cũng chia sẻ thêm, bên cạnh việc mua game khó, hiện nay phát hành game tại thị trường trong nước đa số lỗ nhiều, chứ không còn dễ dàng như trước đây. Với một game phát hành trên di động, nếu hôm trước có 100 người chơi mà hôm sau còn được 25 người thì có thể gọi là thành công. Nhưng thực tế nhiều game phát hành hiện tại rất khó làm được điều này. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp Trung Quốc phát hành game “lậu” quá dễ dàng nhờ có các kênh thanh toán hỗ trợ, cũng khiến cho doanh nghiệp trong nước gặp vô vàn khó khăn.
Nỗi lo mang tên “thuế tiêu thụ đặc biệt”
Trước việc Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng”, Bộ TT&TT đã liên tục có các công văn phúc đáp công văn của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính xem xét không đưa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại hình kinh doanh này.
Bên cạnh đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT cũng liên tục gửi các công văn đến Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ và Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, đề nghị tạm thời chưa đưa loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thế nhưng, đến bây giờ Bộ Tài chính vẫn chưa có phản hồi về việc này, khiến các doanh nghiệp kinh doanh game vô cùng lo lắng.
Theo đại diện các doanh nghiệp, với việc kinh doanh game ngày càng khó khăn như trên, thêm áp lực việc các doanh nghiệp Trung Quốc phát hành game “lậu” vào Việt Nam trên các kho ứng dụng, nếu áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ khiến một số doanh nghiệp game trong nước hết đường kinh doanh, dẫn tới việc có thể phải đóng cửa.
Trong khi nhiều nước trên thế giới coi đây là một ngành công nghiệp mũi nhọn ở cả lĩnh vực thể thao, giải trí lẫn công nghệ, thì tại Việt Nam, ngành game vừa xuất hiện trong thời gian ngắn, giờ lại đang đối diện với nguy cơ “chết dần” vì nỗi lo mang tên "thuế tiêu thụ đặc biệt".
Nguồn: https://nguoiquansat.vn/nganh-game-kho-khan-va-noi-lo-mang-ten-thue-tieu-thu-dac-biet-83633.html